Hình thành Thanh niên Cao vọng Đảng

Đêm 15 tháng 10 năm 1923, chí sĩ trẻ Nguyễn An Ninh có một bài diễn thuyết bằng tiếng Pháp có tên "L’ideál de la Jeunesse Annamite" tại Hội Khuyến học Nam Kỳ (Société d'Enseignement mutuel de la Cochinchine - SAMPIC), đưa ra lời tuyên ngôn về ý thức thân phận người dân mất nước mà hành động trong bối cảnh đầu thế kỷ 20. Bài diễn thuyết của ông có ảnh hưởng sâu sắc tới các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là trong giới trí thức, học sinh, sinh viên Nam Kỳ.

Nhà văn Sơn Nam đã dẫn lại bài diễn thuyết này như sau:

"Cái mối lo của dân ta không phải ở nơi quốc sự mà nó ở trong cái tinh thần của dân ta từ Nam chí Bắc. Có lẽ là ta chưa đến sự lo ấy nữa. Ta còn đang phải lo cho có ra một cái cao vọng cho thời bây giờ, đặng sanh hạt giống của cái cây "ngày mai" của dân ta.... chúng ta phải lo tạo lập ra mới, chúng phải là người tạo lập ra mới mãi. Mà người sanh tạo phải là người muồi như trái cây chín mới có hột đủ sức mà sanh cây được. Ta không phải là cần bắt chước in như kẻ khác, như kẻ ngu tối bắt chước người khôn vậy, còn bắt chước người như vậy là còn nhờ người, còn nương tựa theo sự khôn khéo của người, thì không trông mong giải thoát được. Điều của ta sanh tạo phải là của ta, phải là ở trong máu mủ của ta mà ta, hay là ở nơi học thức Âu Tây với Á Đông hòa hợp nhau trong ta mà sanh ra...Các bực Thánh nhơn thường giục các đệ tử mình phải bỏ nhà cha mẹ đi. Bọn thanh niên ta ngày nay cũng phải vượt ra khỏi nhà cha mẹ, vượt khỏi cái xã hội hẹp hòi, xa bỏ non sông của ta một lúc. Ta cần phải sống trong một nơi tranh cạnh đặng trau dồi, tu lập lại chút tinh thần còn hoi hóp đây. Ta cần phải biết cái giá trị của ta. Ta cần phải sống trong một chỗ nào nó giúp cho trí thức và tinh thần của ta được cao thanh thêm nữa. Ta cần phải lên một chỗ non cao, ở một nơi yên tịnh mà tra mình cho biết cái thân của mình thế nào rồi lấy con mắt hòa hảo, tương ái mà ngó cả vũ trụ, xã hội chung quanh mình. Chừng ấy ta mới bỏ chỗ non cao là chỗ đày ta một lúc, mà trở về với xã hội, trở về với xã hội mà trong ấy ta có thể dùng trọn cái tinh thần tạo lập của ta được, nghĩa là ta đây là người An Nam, ta phải trở về xứ Nam Việt này vì ta là người sanh trong xứ này, ta quen biết với non sông, nòi giống của ta thì ta làm việc làm của ta, ta khỏi mất công lần mò vô ích."
— Dẫn theo Sơn Nam, "Cao vọng của thanh niên"

Bài diễn thuyết còn kêu gọi:

"Hãy tôn sùng những ai đã dùng tài năng hay thiên phú của mình nâng cao vị trí dân tộc ta trên thế giới, và những ai đã đóng góp cải thiện đời sống cho dân tộc chúng ta".
— Dẫn theo Nguyên Hùng, "Nam Bộ - Những nhân vật một thời vang bóng"

Bài diễn thuyết này được đăng lại trên báo La Cloche fêlée số 5 (7 tháng 1 năm 1924) và số 6 (14 tháng 1 năm 1924), và được Nhà xuất bản Xưa Nay (Sài Gòn) in lại thành sách bằng tiếng Việt với tựa đề "Cao vọng của thanh niên An Nam"'.